Tơ Vò - Tiểu thuyết tư liệu đậm chất hiện thực chống tham nhũng quyền lực

16/04/2020 21:39

Xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết "Tơ Vò - Tiểu thuyết tư liệu đậm chất hiện thực chống tham nhũng quyền lực" dưới đây của tác giả Nguyễn Vũ Hà, Đài Tiếng nói Việt Nam

Thưa các bạn, có người vừa làm báo vừa viết văn, hay nghỉ hưu rồi mới viết, Nhà báo Vũ Xuân Bân, bút danh Xuân Vũ, nguyên trưởng Ban biên tập Tin trong nước của TTXVN là một trong số đó. Ông từng là phóng viên chiến trường góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Chính nhờ vào quãng thời gian dài làm báo đã cho người viết văn có những trải nghiệm để nhìn ra cái gì là bản chất, hiện tượng của sự việc để xây dựng những nhân vật thành hình tượng điển hình trong những hoàn cảnh điển hình của một giai đoạn lịch sử xã hội Việt Nam thời hiện đại qua tiểu thuyết Tơ Vò được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2018.

Tơ Vò - Tiểu thuyết đầu tay của Xuân Vũ (Vũ Xuân Bân)

Câu chuyện diễn ra ở một tỉnh qua bốn kỳ đại hội đảng với những mâu thuẫn nội bộ, tranh dành quyền lực, trong đó việc chạy chức, chạy quyền sắp xếp cán bộ theo dân gian phản ánh là “Nhất hậu duệ, Nhì quan hệ, Ba tiền tệ, Bốn trí tuệ”. Đó là một Trường Tồn mưu mô tham vọng, một Trịnh Quỳ tham lam, một Phụng Tiên xảo quyệt, một Cấn Vân Đại chỉ lo thu vén cá nhân vô trách nhiệm với dân. Đối nghịch với các nhân vật thoái hóa biến chất đấy là nhân vật Hoàng Thùy, kinh qua rèn luyện thực tế, có đủ phẩm chất và năng lực, được tín nhiệm cao trở thành một Bí thư Tỉnh ủy, đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh trước đòi hỏi và thách thức mới.

Với bút pháp đậm chất hiện thực, Tơ Vò là một tiểu thuyết tư liệu, đề cập hiện tượng tiêu cực trong “chốn quan trường” và công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Phóng viên văn nghệ Nguyễn Vũ Hà (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã có cuộc trò chuyện với tác giả Xuân Vũ về tác phẩm đang được bạn đọc chú ý này.

PV: Xin chào tác giả Xuân Vũ, thưa ông từ một nhà báo, vậy niềm cảm hứng nào khiến ông lại rẽ sang con đường văn chương và bắt đầu với tiểu thuyết đầu tay là tiểu thuyết Tơ Vò?

Nhà văn Xuân Vũ: Tôi nghiệm thấy báo chí nó trôi đi rất nhanh, cũng gây ấn tượng nhưng nó ít đọng lại trong lòng bạn đọc và công chúng. Do đó tôi nghĩ rằng phải chọn loại hình văn học tiểu thuyết, là loại hình văn học đỉnh cao. Nó có quyền được sáng tác và hư cấu. Dựa trên những chuyện có thật, những câu chuyện có thật, những vụ án có thật mà tôi đã từng được dự hoặc phóng viên của TTXVN dự và  đưa tin. Tôi là trưởng Ban biên tập thì tôi dựa trên những chuyện có thât đấy, khi về nghỉ hưu tôi có điều kiện thâm nhập thêm thực tế, đọc thêm tài liệu, học thêm cách viết văn và tôi suy nghĩ về viết tiểu thuyết. Lúc đầu tôi lấy tên là  "Bùng Nhùng" sau đó chuyển sang là "Tơ Vò" - nó như một đống Tơ Vò. Tiểu thuyết nó khác với làm báo. Làm báo thì một lát cắt ngay nhưng đối với tiểu thuyết nó phải có không gian, thời gian, nó phải trong bối cảnh dài để câu chuyện liên tục diễn ra. Tôi đã chọn bối cảnh rất nhiều địa phương, rất nhiều nơi nhưng tôi tập hợp lại để lấy trong một bối cảnh của một tỉnh, gọi là cái tỉnh mới tái lập, về thời gian 20 năm, với 4 kỳ đại hội của đảng bộ cấp tỉnh. Viết cái này rất khó vì nói trong nội bộ của Đảng mà bản thân tôi cũng là đảng viên. Khi viết cái này tôi gần 45 năm tuổi Đảng. Cho nên phải làm thế nào  phơi bầy được một sự thật xấu xa trong nội bộ nhưng mà vẫn phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, làm thế nào đó để từng bước loại được những anh có sai phạm, khuyết điểm, tha hóa. Tôi nghĩ rằng  mình là một đảng viên khi cầm bút viết thì phải làm thế nào  phơi bày được sự thật nhưng hoàn toàn viết nó khách quan. Đảng phải lãnh đạo để chọn những con người đứng ra giải quyết những đồng tơ vò đã tích tụ lại rất nhiều năm nay rồi.

PV: Khi có tư liệu dựa theo từ thực tế thì  hẳn là bút pháp của tiểu thuyết này đậm chất hiện thực, đậm chất báo chí?

Nhà văn Xuân Vũ: Thế kỷ XXI là thế kỷ tiểu thuyết tư liệu. cho nên người ta không mô tả văn hoa như những năm trước đây mà là những câu chuyện có thực, đi vào các sự kiện có thực nhưng mà phải mô tả như thế nào để cho người ta không nói là văn ám chỉ. Ví dụ như tôi ở Thanh Hóa, sau khi có một số người đọc cũng có người  gọi điện hỏi tôi và họ cảm thấy ở tỉnh Thanh Hóa có những chuyện như thế này. Hoặc ở Bắc Ninh, như ở Hải Dương người ta cũng điện lên họ hỏi hoặc có những tỉnh người ta nói tôi như là "ma xó", tức là tôi biết được những chuyện trong nội bộ. Muốn như thế thì ngoài cái tôi tích luỹ được khi còn làm việc ở cương vị Trưởng ban biên tập tin trong nước, sau khi tôi về hưu, tôi tiếp tục xâm nhập thực tế. Để viết cái này tôi phải dành 2 năm, trong đó 1 năm đi thực tế để xác minh thêm tư liệu, khẳng định thêm tư liệu mà mình biết. Trên cơ sở đó, mình phải dựng lên chất hiện thực diễn ra ở Yên Bái, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh…Tôi lấy lại để người ta thấy rằng không chỉ nói một tỉnh mà nói về rất nhiều nơi mà những nhân vật này nó quyện lại với nhau. Trong đó, lâu nay chúng ta chỉ đề cập đến tham nhũng ở cấp Trung ương nhưng mà ở cấp tỉnh, cấp địa phương, nhất là cấp huyện, trong đó có một chương tôi nói là “Ông vua con” ở một cái huyện mà tôi lấy tên là Sông Cà Bé thì người ta  thấy rằng sự tha hóa, sự tham nhũng quyền lực của người lãnh đạo đứng đầu cái huyện nó như ông "vua con", nghĩa là nó muốn làm gì thì làm và nhân vật tham nhũng quyền lực như là Cấn Vân Đại. Sau này đến giai đoạn Bí thư Hoàng Thùy lên thì mới bước đầu loại ra được. Đối với những người giữ cương vị lãnh đạo, một trong những cái tôi suy nghĩ là làm sao vượt qua được chính mình về công tác cán bộ.

PV: Để xây dựng những nhân vật có thật thành hình tượng của tiểu thuyết rồi bối cảnh câu chuyện không phải là dễ?

Nhà văn Xuân Vũ: Đúng là cái này là kỹ năng thể hiện. Tôi có thuận tiện, một là tôi học sử, hai là tôi cũng được học luật. Thế cho nên  khi đề cập đến những  vấn đề tổ chức, thực thi pháp luật, những vụ  xử án mà tôi đã được dự hoặc phóng viên họ đi họ viết gửi về thì tôi sẽ hệ thống lại và trên cơ sở cái cốt truyện nhân sự của 4 kỳ đại hội, tức là 20 năm ở một tỉnh.

PV: Học sử, học luật và  viết báo, viết văn thì 4 cái điều này nó bổ trợ cho nhau?

Nhà văn Xuân Vũ: Nó rất có lợi, thứ nhất học sử có cách nhìn biện chứng, thứ hai là khả năng xâu chuỗi, tổng hợp các sự kiện, thứ ba là tự mình có thể thẩm định được nó có sai luật lệ không. Ví dụ như đề cập đến tòa án xử vụ án xử Ngô Quyên đến 6 lần mà vẫn không xong, nhưng họ vẫn cứ xử  thì học sử giúp được cách nhìn. Điều nữa là giúp cách tổng hợp, xâu chuỗi sự kiện. Pháp luật giúp mình làm thế nào để các sự kiện đưa ra không bị hớ hênh và phải đảm bảo đúng luật. Ngược lại viết văn giúp cho mình cách nhìn con người, cách nhìn vấn đề, sự kiện, phân tích, đánh giá một cách sâu sắc và có vốn ngôn ngữ  thì diễn đạt bằng ngôn ngữ, cái vỏ ngôn ngữ rất tốt và dễ, người ta  thấy rằng người viết có một cách nhìn sâu sắc  và có sự tổng hợp, xâu chuỗi  một cách khéo léo và hấp dẫn

PV: Thông thường tiểu thuyết tư liệu thường đi sâu vào sự kiện mà ít chú ý tâm lý nhân vật, suy nghĩ nhân vật, đôi khi yêu tố lãng mạn ít đi, vậy điều này có xảy ra với tiểu thuyết Tơ Vò của ông không?.

Nhà văn Xuân Vũ: Tôi cảm thấy chất văn học mà  tôi thể hiện chưa được cao lắm. Nhưng vừa rồi tôi thấy rất lạ từ bà bán rau, từ ông cắt tóc, rồi  ông xe ôm ở tỉnh Vĩnh Phúc tìm họ đọc. Có bà là tên bà Nhãn ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) bà không mua được quyển sách của tôi, bà mượn được một quyển, bà chép lại  từ đầu đến cuối. Theo tôi nghĩ  về tiểu thuyết tính cách nhân vật phải  nên, nhưng đúng là tiểu thuyết tư liệu thì làm thế nào đòi hỏi có sự chính xác nhưng mà những sự kiện  nêu lên người ta không thể kiện được. Vì thực ra  tôi cũng chả nói tỉnh nào, chả nói nói tên ai, cả địa danh, tên người  tôi đều lấy theo sáng tác. Ví dụ như  Phụng Tiên. Phụng Tiên là nhân vật Lã Bố nhưng nó thể hiện ra cái xảo trá, cái lừa thầy phản bạn.

PV: Đương nhiên văn học không thể bê  nguyên xi cuộc sống?

Nhà văn Xuân Vũ: Tức là thế này, anh không tự nhiên chủ nghĩa. Do đó cho nên thành công hay không là do anh hư cấu, hư cấu. Hư cấu đấy làm như thế nào nó  mang tính điển hình, đấy mới là khó và tôi sẽ cố gắng đi theo hướng đấy.

PV: Tác giả dự định viết tập 2 Tơ Vò hay trong thời gian tới có dự định sáng tác tác phẩm về đề tài khác không?

Nhà văn Xuân Vũ: Chủ đề tài khác thì tôi cũng sẽ quan tâm nhưng trước mắt tôi vẫn cứ một cái mạch này đấu tranh tham nhũng quyền lực. Trong tác phẩm đó, tôi cũng có nói đến có những chuyện có thể sẽ được đề cập trong tập tới. Tức là tôi sẽ chú ý đến chuyện, một là làm thế nào luật pháp phải được nghiêm minh, hai là người đứng đầu ví dụ như tỉnh thì Bí thư tỉnh  thì phải làm thế nào  vượt qua chính mình để giải quyết được đống tơ vò.  Những nghề  viết  như tác phẩm đầu tay mà ra được thì nó cổ vũ, động viên mình  rất lớn. Tôi chỉ mong làm thế nào các sự cố gắng này, cái thể hiện này để nó cổ vũ, duy trì văn hóa đọc, thì cái đấy là tôi mong muốn nhất. Tôi nghĩ rằng trong những năm tháng sau nghỉ hưu thì sẽ tiếp tục viết văn, là một trong những niềm say mê và công việc chính của tôi

PV: Xin chân thành cảm ơn tác giả Xuân Vũ về cuộc trò chuyện. Chúng tôi nghĩ là không chỉ vì riêng cuốn tiểu thuyết mà nó còn là dóng văn học tiểu thuyết tư liệu. Và đương nhiên rồi, chúc ông càng ngày càng có nhiều  sức khoẻ, dồi dào năng lực sáng tạo.

 

Bác Hồ với Tết Trồng cây năm Kỷ Hợi 60 năm về trước Bác Hồ với Tết Trồng cây năm Kỷ Hợi 60 năm về trước

Mùa xuân Kỷ Hợi 1959 cách đây vừa tròn 60 năm, Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây với tư tưởng là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái làm cho “phong cảnh nước...

Nguyễn Vũ Hà, Đài tiếng nói Việt Nam
Nguồn http://vanhien.vn/news/to-vo-tieu-thuyet-tu-lieu-de-cap-hien-tuong-tieu-cuc-va-cong-cuoc-chong-tieu-cuc-tham-nhung-cua-dang-nha-nuoc-va-nha-dan-76013?fbclid=IwAR1thBP4QBZaZzgUieqmA3Ens4P_p-8YAfN2Rmrh-cSR_U4iVJXUfouwCD8

Bạn đang đọc bài viết "Tơ Vò - Tiểu thuyết tư liệu đậm chất hiện thực chống tham nhũng quyền lực" tại chuyên mục Người Tốt - Việc Tốt.

Đọc thêm những thông tin liên quan trên https://suckhoevasacdep.com.vn/

 

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục