Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và giải pháp tự chủ tài chính của các cơ quan báo chí

14/04/2021 23:11

Đó là chủ đề Hội thảo do TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và PGS TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo đồng chủ trì sáng nay 14/4 tại 53 Nguyễn Du, Hà Nội. Đông đảo lãnh đạo các cơ quan báo chí trong và ngoài hệ thống Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tham dự Hội thảo.

Quang cảnh hội thảo

Đây không phải là chủ đề mới nhưng không bao giờ cũ, là "vấn đề nóng" đối với  các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Bời các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam lâu nay không sống bằng nguồn kinh phí do Nhà nước cấp hoặc tài trợ, đã loay hoay tự chủ tài chính mà hoạt đông và đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh CoVid 19 lại càng khó khăn hơn.

Cùng với phát biểu đề dẫn " Vấn đề phát triển Kinh tế báo chí trong kỷ nguyên số" của PGS TS Nguyễn Thành Lợi, còn có 4 tham luận bằng văn bản gồm: Nhà báo. TS Phạm Mỵ, Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe và Mội trường; Nguyễn Văn Tông, Biên tập viên cao cấp Chuyên trang Tầm Nhìn, Báo Trí thức và Cuộc Sống; Nhà báo Bùi Hoàng Tám, Báo Dân Trí; Nhà báo Hoàng Huệ, Tổng biên tập Tạp chí Biển Việt Nam. Ngoài ra còn có các ý kiến trao đổi của PGS TS Phạm Thanh Sang, cựu cán bộ của  Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; Nhà báo Trương Quốc Dũng, chuyên trang Khoa học và Đời sống, Báo Trí thức và Cuộc sống; Nhà báo Phạm Hồng Quang (phát biểu - ảnh dưới), Tạp chí Ngày nay của UNESCO ... 

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều cho rằng: Thị trường báo chí hiện nay cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt là những tờ Tạp chí trong hệ thống Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề nguồn thu lại nóng bỏng như hiện nay, đặc biệt là những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Sự khó khăn về nguồn thu đã xuất hiện trong nhiều năm qua. Với mỗi cơ quan báo chí, thời điểm và mức độ khó khăn khác nhau. Tuy nhiên, khi đại dịch COVid 19 lan rộng trên toàn cầu tác động không nhỏ đến nền kinh tế cũng như hầu hết các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đều gặp khó khăn.

Do đó, Giải pháp tự chủ tài chính của các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam trước hết là phải thu hút được bạn đọc. Muốn vậy, báo chí trong hệ thống Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cần cải tiến mạnh mẽ nội dung, vừa bảo đảm tôn chỉ mục đích, vừa mang đậm tính dân sinh, phản ánh sâu sắc hơi thở cuộc sống. Thông tin không chỉ là "mới - nhanh - hấp dẫn" mà còn "trách nhiệm và nhân văn". Chủ đề các bài viết phải có góc nhìn độc đáo, mới mẻ, sang tạo, nhân văn theo hướng không chỉ thông tin mà còn cung cấp gọc nhìn. Tiếp đến là công tác phát hành, quảng cáo phải cải tiến, năng động trong tiếp thị, chủ động đến với khách hàng, bạn đọc thay vì "ngồi chờ sung rụng" như trước. Đẩy mạnh hoạt động xã hội từ thiện với cách làm công khai, minh bạch, hiệu quả kết hợp với các nhà tài trợ sẽ góp phần củng cố và phát triển thương hiệu cơ quan báo chí. Thực hiện chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu, xu thế của độc giả, tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo ra nguồn thu, phát triển lâu dài.

Đáng chú ý, kinh nghiệm của Tạp chí  Ngày nay phiên bản điện tử đã thử nghiệm thu phí bạn đọc với mức giá 180.000đ/năm, trong đó quản trị của Tạp chí có cả phần mềm lại quả khuyến khích bạn đọc nộp tiền không chỉ một năm, hai năm, ba năm và suốt đời. Việc thu phí bạn đọc của Tạp chí điện tử Ngày nay cũng đang gặp nhiều khó khăn về tính pháp lý cũng như khâu thanh toán điện tử qua ĐTDĐ thì phải có Thẻ và tâm lý ban đọc chưa quen đọc báo có trả phí. Do đó, nội dung Tạp chí điện tử phải tốt, thiết thực, thuận tiện tra cứu để xứng đáng với bạn đọc trả tiền khi truy cập tìm đọc báo, tạp chí. 

Để có nguồn thu, vấn đề sống còn đối với các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, phải coi "nội dung là vua" và "công nghệ là nữ hoàng", nhất là trong kỷ nguyên 4.0, các cơ quan báo chí ngoài việc phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng  nội dung, rất cần quan tâm đến yếu tố kỹ thuật thuận tiện truy cập để thu hút bạn đọc. Việc thu phí đọc báo điện tử còn liên quan đến cơ chế bảo vệ bản quyền tác giả, là một trong những vấn đề nan giải.

Đối với nhiều nước, việc thu phí đọc báo điện tử đã diễn ra hơn chục năm rồi.

 

Vũ Xuân Bân
Nguồn http://vanhien.vn/news/-gia-phap-tu-chu-tai-chinh-cua-cac-co-quan-bao-chi-trong-he-thong-lien-hiep-cac-hoi-khoa-hoc-ky-thuat-viet-nam-83561
Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục