Cây đinh lăng bổ ích không kém nhân sâm

02/12/2020 10:16

Đinh lăng có vị đắng, ngọt, tính mát, mùi thơm, không độc, có tác dụng bổ ngũ tạng, tăng cường sự dẻo dai và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống hiện tượng mệt mỏi, giúp ăn ngon, ngủ yên, mau lên cân.

Đinh lăng có nguồn gốc từ các quần đảo thái bình dương, ngày nay, đinh lăng được trồng khắp nơi, chủ yếu để làm cảnh. Nhưng, không chỉ thế, đinh lăng còn là cây thuốc quý nếu được sử dụng đúng cách.

Tên khoa học là Polyscias fruticosa, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Cây nhỏ, cao khoảng 1-2m. Thân nhẵn và ít phân nhánh. Lá kép, mọc so le, có bẹ, mép có răng cưa không đều, chóp nhọn. Cụm hoa là nhiều tán mọc ở ngọn. Hoa nhỏ, màu trắng xám. Người ta dùng cả thân, lá và rễ đinh lăng.

Ảnh minh họa nguồn Internet

CÂY CÓ NHIỀU CÔNG DỤNG

Đinh lăng có vị đắng, ngọt, tính mát, mùi thơm, không độc, có tác dụng bổ ngũ tạng, tăng cường sự dẻo dai và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống hiện tượng mệt mỏi, giúp ăn ngon, ngủ yên, mau lên cân. Khi dùng rễ, có thể để nguyên hoặc tẩm rượu gừng 5% rồi sao qua, tẩm thêm 5% mật ong, sao vàng thơm.

Theo các kết quả nghiên cứu,trong rễ đinh lăng chứa nhiều saponin có tác dụng như nhân sâm, nhiều sinh tố B1. Ngoài ra, rễ còn chứa 13 loại a-xít amin cần thiết cho cơ thể. Nhờ đó, đinh lăng giúp tăng trí nhớ, rất tốt cho người lao động trí óc hoặc các sĩ tử trong mùa thi.

Rễ đinh lăng thường được dùng để trị ho ra máu, chữa tắc tia sữa, làm mát huyết, lợi tiểu, chữa mẩn ngứa. Lấy rễ đinh lăng sao vàng, khử thổ, sắc cho phụ nữ sau sinh uống để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú.

Lá đinh lăng cũng được dùng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy. Lá còn có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, ban sởi, chữa ho ra máu, kiết lỵ.

Theo kinh nghiệm dân gian, để phòng chống bệnh co giật cho trẻ em hoặc trẻ mới sinh, người ta lấy lá non và lá già phơi khô, lót vào gối hoặc trải giường cho trẻ nằm. Người ta phối hợp lá đinh lăng với sữa ong chúa làm thuốc bổ. Vận động viên đô vật thường uống nước sắc từ lá để giúp sức lực dẻo dai và bền bỉ khi thi đấu.

CÁC BÀI THUỐC TỪ ĐINH LĂNG

Lá, thân cành, rễ đinh lăng có thể phối hợp với nhiều vị thuốc khác để tạo thành những bài thuốc hữu ích, như:

– Chữa dị ứng, ban sởi, ho, kiết lỵ: Lá đinh lăng khô 10g sắc với 200ml nước, uống trong ngày.

– Chữa đau nhức lưng, gối hoặc tê nhức chân tay, phong thấp: 20-30g thân cành sắc lấy nước uống. Có thể phối hợp với lá lốt, cúc tần, bưởi bung, rễ mắc cỡ, mỗi loại 10g, cho vào 600ml nước, sắc còn 300ml, uống 2-3 lần trong ngày. Uống vài lần sẽ giảm đau.

Hoặc bài thuốc gồm: rễ đinh lăng 12g, cối xay, hà thủ ô, huyết rồng, cỏ xước, thiên niên kiện mỗi loại 8g, vỏ quýt, quế chi 4g. Cho vào 600ml nước, sắc còn 250ml (lưu ý, khi sắp nhấc khỏi bếp mới cho vị quế chi vào). Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng.

– Phụ nữ tắc tia sữa: Rễ đinh lăng 40g, gừng tươi 3 lát, cho vào 500ml nước, sắc còn 250ml. Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng.

Nếu không có rễ, có thể lấy lá tươi, thái nhỏ để nấu cháo. Cách làm: gạo nếp ngon và một cái bong bóng heo, nấu nhừ thành cháo. Sau đó, cho lá đinh lăng vào. Khi lá chín mềm, nêm vừa ăn. Ăn nóng, mỗi ngày 2-3 lần, giúp sữa tiết nhiều hơn.

– Ho suyễn lâu năm: lấy rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, tang bạch bì, nghệ vàng, tần dày lá, mỗi loại 8g, xương bồ 6g, gừng khô 4g. Cho vào 600ml nước, sắc còn 250ml. Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.

– Bồi bổ và thanh lọc cơ thể: Lá đinh lăng tươi từ 150-200g, nấu với 1.000ml nước. Sau khi sôi 5-7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên. Có thể đổ tiếp 200ml nước vào để nấu sôi, lấy nước thứ hai. Uống trong ngày thay nước lọc.

Cách dùng này thuận tiện vì lá tươi thu hái quanh năm trong khi rễ phải sau nhiều năm mới thu hoạch được. Dùng lá thay cho rễ cũng đảm bảo tác dụng tốt cho cơ thể.

DẠNG DÙNG VÀ CÁCH SỬ DỤNG

Rễ đinh lăng có thể dùng ở nhiều dạng: ngâm rượu, dạng bột hoặc sắc uống.

– Dạng rượu để bồi bổ cơ thể: Rễ đinh lăng khô khoảng 100-150g tán nhỏ, ngâm với 1 lít rượu ngon có độ cồn từ 35-40 trong 7-10 ngày. Thỉnh thoảng lắc đều. Có thể pha thêm mật ong hoặc bột phấn hoa khi uống, rất tốt cho người suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 5-10ml, uống trước bữa ăn 30 phút. Khi ngâm rượu, còn có thể phối hợp với các vị thuốc bổ khí huyết như bạch truật, bạch thược, thục địa, đương quy, hà thủ ô đỏ; các vị thuốc bổ thận như đỗ trọng, câu kỷ, giúp khí huyết lưu thông, ăn ngon, ngủ yên, tăng cường sinh lực.

– Dạng thuốc bột và thuốc viên: Rễ đinh lăng đã tẩm mật ong sao vàng (150g) tán nhỏ, rây mịn, bảo quản trong lọ kín, ngày uống 0,5-1g với nước ấm. Hoặc trộn với mật ong, vo thành viên, mỗi viên 0,25-0,5g. Ngày uống 2-4 viên, chia làm 2 lần, trước bữa ăn 30 phút.

– Dạng thuốc hãm hoặc thuốc sắc: Rễ đinh lăng đã sao tẩm thái nhỏ, bảo quản trong lọ kín. Mỗi ngày dùng 10-15g cho vào bình hãm với nước sôi như hãm trà. Uống nhiều lần trong ngày.

Lưu ý bài viết chỉ mang tính chất tham khảo!

Kim Thu
Nguồn https://khoedep247.com/cay-dinh-lang-bo-ich-khong-kem-nhan-sam.#html

Bạn đang đọc bài viết "Cây đinh lăng bổ ích không kém nhân sâm" tại chuyên mục Cây thuốc quanh ta.

Đọc thêm những thông tin liên quan trên https://suckhoevasacdep.com.vn/

 

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục