Lương y Lê Việt Cường – Tấm lòng cao cả của một người thầy thuốc

07/08/2023 07:00

Lương y Lê Việt Cường là vị một thầy thuốc đông y nổi tiếng với lối sống thiện nguyện, không ganh đua. Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh đã dành 10 năm để khám chữa bệnh từ thiện cho người nghèo khắp nơi trong những chuyến ngao du cả trong và ngoài nước của mình.

Hôm nay chúng tôi rất may mắn được gặp gỡ và trò chuyện cùng với vị lương y trẻ tuổi tài cao này.

PV: Chào bác sĩ Cường, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về những lần khám chữa bệnh từ thiện của anh. Anh có thể chia sẻ thêm với chúng tôi về những chuyến đi đấy được không?

BS. Cường: Vâng chào bạn. Thực sự thì mình đã có rất nhiều những chuyến đi thăm khám – chữa bệnh cho người nghèo. Nhưng có một chuyến đi làm mình nhớ nhất là chuyến đi thăm các bản làng vùng cao ở Hà Giang năm 2013. Lúc đó thì mình còn rất trẻ, vẫn đang trong quá trình học tập trau dồi kiến thức nghề y. Hôm đấy lúc mình đang đi dạo một mình thì gặp một em bé tầm 2-3 tuổi nhưng bị phù nề ở chân khá nặng. Hoàn cảnh gia đình thì rất khó khăn, bố mẹ em mất sớm, em ở với bà nội cũng đã lớn tuổi. Lúc đấy thực sự rất thương, sau đó mình cùng với mấy anh chị em trong đoàn đã đến xin phép bà của em để chúng mình đưa em tới viện để chữa bệnh. Bà của em đã rất xúc động và khoảnh khắc đó làm mình càng có thêm quyết tâm sẽ tiếp tục công việc khám chữa bệnh thiện nguyện của mình. Đến nay thì mình đã thực hiện được công việc này được 10 năm rồi. Thường thì mình sẽ tổ chức khám và bốc thuốc tại các ngôi chùa. Đa phần những bệnh nhân đến đây là người nghèo, mắc bệnh nan y, không thể theo chữa ở các bệnh viện và phòng khám. Họ đến chùa với những hi vọng nhỏ nhoi về một phép màu nào đó. Chính những bệnh nhân ấy đã đem đến cho mình sự lạc quan và hướng về phía trước trong bất kì hoàn cảnh nào.

PV: Theo tôi được biết thì những chuyến đi thiện nguyện như vậy sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian và cả tiền bạc. Vậy thì mình có sử dụng nguồn tiền từ thiện từ các cá nhân hay tổ chức nào không?

BS. Cường: Thực tế thì việc sử dụng tiền từ thiện từ các quỹ hay tổ chức thiện nguyện là rất tốt. Tuy nhiên thì mình không sử dụng những quỹ như vậy mà hoàn toàn là cá nhân mình bỏ ra. Những năm gần đây thì có một số anh em bạn bè thân thiết hiểu công việc mình đang làm họ ngỏ ý góp sức cùng thì mình mới nhận chứ cũng không nhận tràn lan. Nhưng quan trọng là mình tìm thấy được niềm vui và ý nghĩa trong những chuyến đi. Trong nghề của mình mọi người hay nói với nhau một câu là “Bệnh nhân chính là tài sản lớn nhất của bác sĩ, mỗi một bệnh nhân khỏi bệnh là thêm một động lực cho những bác sĩ chúng tôi”. “Lương y như từ mẫu” cơ mà. Ngoài chữa bệnh cho người Việt mình thì mình cũng muốn góp sức cho những hoàn cảnh khó khăn trên khắp thế giới. Giống như một số bạn Youtuber hiện nay có những chương trình hỗ trợ về nguồn nước ở Châu Phi, mình thấy rất là hay và ý nghĩa. Năm ngoái thì mình cũng đã có một chuyến đi thăm đồng bào Việt kiều mình tại Úc và không hẳn người Việt nào ở nước ngoài cũng có cuộc sống tốt, vẫn có những hoàn cảnh rất khó khăn và mục tiêu của mình là giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh như vậy trong những năm tới.

PV: Thực sự khâm phục tấm lòng của anh. Vậy với những bạn độc giả anh có lời khuyên nào không?

BS. Cường: Các loại bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại như tim mạch, bệnh gút, trĩ… đều do người ta ngồi ở văn phòng ít vận động. Một khi nạp quá nhiều chất bổ mà lại không có lượng vận động phù hợp để chuyển hóa nguồn năng lượng đó thì người ta tự tạo ra bệnh cho mình. Để tránh không rơi vào tình trạng này, các bạn nên không chỉ quan tâm đến món ăn mà còn phải quan tâm đến cách ăn. Ăn những món gì, lúc nào, trong bối cảnh nào, dùng cho những người bệnh gì, thể trạng thế nào.

Một khoảng thời gian đi bộ cũng là phòng chữa bệnh. Ta nên di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác bằng chiếc xe đạp. Đó không chỉ là tham gia giao thông mà còn là một cách phòng chữa bệnh.

Người ta có thể thiền ở bất cứ đâu. Vì khi con người ta chú ý đến hơi thở và có hơi thở hợp lý thì đó là thiền.

Quan trọng đối với con người, trước tiên là phải khỏe trước đã. Sau đó, hẵng tính những công việc bền bỉ khác.

PV: Rất cảm ơn anh về buổi phỏng vấn. Chúc anh sức khỏe thật tốt để tiếp tục những công việc thiện nguyện tuyệt vời của mình.

 

 

 

 

Thu Hằng

Bạn đang đọc bài viết "Lương y Lê Việt Cường – Tấm lòng cao cả của một người thầy thuốc" tại chuyên mục Sức khỏe - Y tế.

Đọc thêm những thông tin liên quan trên https://suckhoevasacdep.com.vn/

 

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục